Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Chuyến đi xóa khoảng cách của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc

Chuyến thăm của Mattis nhằm xoa dịu căng thẳng nhưng nó khó có thể làm lu mờ sự cạnh tranh và bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc giữa rừng căng thẳng của bộ trưởng quốc phòng Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 27/6. Ảnh: China News Service.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 27/6 đối thoại với các quan chức Trung Quốc, đánh dấu cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa các lãnh đạo quân đội hai quốc gia kể từ khi Washington tuyên bố Bắc Kinh là thách thức chính đối với an ninh Mỹ.
Phát biểu bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Mattis tìm cách truyền đạt các mục tiêu của Mỹ ở châu Á với hy vọng giảm căng thẳng giữa hai bên về các vấn đề bao gồm Đài Loan, hành động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách thương mại của Tổng thống Trump. "Tôi ở đây để giữ mối quan hệ của chúng ta đi trên quỹ đạo đúng", ông Mattis nói với ông Tập.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai nước, được thể hiện trong lời cảnh báo của Trung Quốc rằng họ sẽ không để mất "dù chỉ một tấc đất tổ tiên để lại" dù không nói cụ thể khu vực nào, theo Washington Post.
Washington đang đưa ra các thông điệp mâu thuẫn khi Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, hủy mời Bắc Kinh tập trận hải quân, trong khi vẫn tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao của Trung Quốc trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Mỹ chỉ trích Trung Quốc về các động thái ở Biển Đông trong khi Bắc Kinh nghi ngờ về ý đồ của Washington khi nước này bán vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần phải thống nhất, kể cả bằng vũ lực.
Chuyến thăm còn diễn ra trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ có lập trường ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, nước đã đầu tư nhiều vào các thiết bị quân sự tiên tiến và công nghệ tinh vi, đang đe dọa thế vượt trội về quân sự của Mỹ trên quốc tế. Trung Quốc có kế hoạch đóng tàu sân bay và các tài sản hải quân. Họ sở hữu phi đội hiện đại và kho vũ khí tên lửa đạn đạo ngày càng uy lực, bao gồm tên lửa chống hạm. Bắc Kinh đã mở căn cứ đầu tiên ở nước ngoài, tại quốc gia Đông Phi Djibouti và đầu tư vào năng lực chiến tranh mạng.
Abigail Grace, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định câu hỏi đặt ra trong đầu các lãnh đạo Trung Quốc là họ tương tác như thế nào với quân đội Mỹ trong tình thế cạnh tranh chiến lược hiện giờ.
Trong chuyến thăm kéo dài gần 48 giờ, Mattis cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Dương Khiết Trì, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Tập. Các quan chức Mỹ cho biết hai bên đã nhắc đến căng thẳng thương mại giữa hai nước nhưng mục tiêu của cuộc đàm phán này là truyền đạt mối quan tâm của Mỹ ở châu Á để hai nước có thể tránh được sự leo thang như sau va chạm của máy bay do thám Mỹ với máy bay Trung Quốc năm 2001.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cho biết các cuộc đàm phán có đề cập đến vấn đề Washington lên án Trung Quốc vì triển khai thiết bị quân sự ra Biển Đông. "Không quốc gia nào có thể coi nhẹ luật quốc tế về hàng hải" bà nói.
Các quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng mở rộng hợp tác quân sự Mỹ - Trung và mở rộng các kênh liên lạc để có thể ngăn chặn nguy cơ xung đột khi hai quân đội bất ngờ chạm trán trên không hoặc trên biển.
Song Zhongping, một nhà bình luận của Phoenix TV ở Hong Kong và là cựu quan chức quân đội Trung Quốc, cho biết hợp tác quân sự giữa hai nước còn rất hạn chế và ông đặt câu hỏi về khả năng hai bên đạt được sự đồng thuận. "Các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ thuộc về cấu trúc và những vấn đề đó sẽ không được giải quyết bởi một hoặc hai cuộc họp", ông nói.
Hơn nữa, hai nước thường không làm được điều gì hơn là nhắc lại lập trường của mình trong các cuộc đối thoại, Michael Kovrig, nhà phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đánh giá.
"Sự nguy hiểm hiện giờ là nếu mỗi bên coi nhau như đối thủ chiến lược và hành động như vậy thì họ sẽ theo đuổi các biện pháp và cách đối phó gay gắt. Căng thẳng có thể gia tăng trong một vòng xoáy tiêu cực", ông nói.
Phương Vũ

Trung Quốc chỉ đạo truyền thông nhà nước dịu giọng với Trump

Bắc Kinh yêu cầu truyền thông nhà nước cẩn trọng khi đưa tin về Trump trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Florida, tháng 4/2017. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Florida, tháng 4/2017. Ảnh: AFP.
 "Chúng tôi được chỉ thị không nên sử dụng ngôn từ hung hăng về ông ấy (Tổng thống Mỹ Donald Trump)", một nguồn tin giấu tên nói, theo SCMP.
Trump ngày 6/7 áp đặt mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đây là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế". Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa tương đương với hàng hóa Mỹ và cáo buộc nước này vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Dù kịch liệt chỉ trích các chính sách thương mại của chính quyền Trump, các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc không đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ hay các quan chức của ông.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cũng tránh công kích trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông liên tục nhấn mạnh trực tiếp với ông Tập và thông qua Twitter rằng hai người "sẽ luôn là bạn bè, bất kể điều gì xảy ra trong tranh chấp thương mại".
Cách tiếp cận này tương phản rõ rệt với những màn đấu khẩu giữa Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng căng thẳng. Ông Kim từng gọi ông Trump là "lão lẩm cẩm" trong khi Tổng thống Mỹ gọi lãnh đạo Triều Tiên là "gã tên lửa".
Theo Sow Keat Tok, giảng viên Đại học Melbourne về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, ông Tập sẽ không cho phép điều này xảy ra với mình. "Vấn đề không chỉ là về thể diện mà còn nhằm ngăn chặn những phản ứng tiềm tàng từ xã hội Trung Quốc, trong trường hợp sự thù địch cá nhân vượt khỏi tầm kiểm soát", ông nhận định.
Tok cho rằng vì Trump tránh chỉ trích trực tiếp Tập Cận Bình nên Chủ tịch Trung Quốc cũng làm điều tương tự. "Ông Tập để Bộ Thương mại gửi đi các thông điệp cứng rắn thay vì mình", chuyên gia nhận định.
Tuyết Mai

Kết thúc kỳ thi đại học, hàng loạt cha mẹ Trung Quốc ly hôn

Như mọi năm, khi cuộc thi đại học trên toàn quốc vừa chấm dứt, các bậc cha mẹ Trung Quốc lại tấp nập đâm đơn ra tòa.

Tình trạng này không phải là mới, mà trở nên phổ biến vài năm nay, đến mức người ta còn đặt biệt danh cho những bậc cha mẹ ly tán này là "Những người ly hôn gaokao" - Những người ly hôn hậu thi đại học.
Gaokao - kỳ thi quan trọng bậc nhất của Trung Quốc - là khoảnh khắc quan trọng đến mức rất nhiều cha mẹ trì hoãn kế hoạch chia tay để con ổn định tâm lý. Vượt qua kỳ thi này với điểm cao, các học sinh mới có cơ hội vào trường đại học tốt, mở rộng cơ hội có việc làm về sau. Khi gaokao kết thúc, những dòng người xếp hàng dài ở các tòa thị chính trên khắp đất nước để làm đơn ly hôn. 
Dòng người xếp hàng dài chờ ly hôn tại một tòa thị chính ở Trung Quốc. Ảnh Sohu.
Dòng người xếp hàng dài chờ ly hôn tại một tòa thị chính ở Trung Quốc. Ảnh Sohu.
Theo Global Times, vì sức ép của kỳ thi đại học quá lớn, cha mẹ không muốn dồn thêm áp lực cho con bằng việc ly hôn. Một lý do khác là nhiều phụ huynh cảm thấy phần lớn trách nhiệm cha mẹ của họ đã hoàn tất sau kỳ thi này: kỳ thi đánh dấu sự kết thúc trung học và bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành của con.
Trang Baidu của Trung Quốc từng có chủ đề về bùng nổ ly hôn hậu thi đại học, mô tả đây như là một "xu hướng gia tăng", kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Đây cũng là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội nước này hôm nay. 
Nhiều người cho rằng những cuộc ly hôn trì hoãn "vì con" như vậy thực ra rất có hại, nó khiến đứa con cảm thấy mình là một lý do khiến cha mẹ không hạnh phúc. 
"Nếu các vị không còn yêu nhau nữa, tại sao lại giả vờ điều đó và tiếp tục sống cùng nhau", một người bình luận trên Weibo. 
Một bạn trẻ có cha mẹ đã ly hôn thì cho rằng; "Với tư cách là đứa trẻ lớn lên trong những cuộc cãi nhau triền miên của cha mẹ, tôi chỉ có thể nói một điều: nếu các bạn muốn ly hôn, hãy làm đi, đừng ở với nhau 'vì lợi ích của con cái'". 
Các nghiên cứu cho thấy, văn hóa Trung Quốc vẫn có cái nhìn tiêu cực với ly hôn, và việc "giữ gia đình trọn vẹn" luôn được đề cao, ngay cả khi gia đình đó không thực sự hạnh phúc. 
T. An